Mô hình 7P trong Marketing

Mô hình 7P trong Marketing là một trong những lý thuyết theo xu hướng nâng cao vị thế của marketing trong quản trị doanh nghiệp và quản trị tổ chức. Là một công cụ chiến lược marketing quen thuộc, bản rút gọn của mô hình 7P marketing mix là mô hình 4P bao gồm Product (Sản phẩm), Price (Giá), Place (điểm bán), Promotion (Truyền thông). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thêm ba yếu tố mới vào hỗn hợp tiếp thị truyền thống đã trở nên phổ biến hơn, tạo ra một kết hợp 7P, gọi là mô hình marketing 7P mở rộng. Là một mô hình nâng cao, 7P đã chứng minh được sự hiệu quả khi được áp dụng mạnh mẽ trong các ngành sản phẩm, dịch vụ. Hãy cùng tìm hiểu các yếu tố cấu thành của mô hình 7P trong Marketing:

 

Product – Sản phẩm

Sản phẩm ở đây được sử dụng cho mọi thể loại và dạng thức sản phẩm – tức là cả hữu hình và vô hình.

Sản phẩm phải phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng, thậm chí là vượt cả sự mong đợi của họ. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào cảm nhận và đánh giá, sự công nhận của khách hàng.

Riêng đối với ngành dịch vụ, sản phẩm của nó là một thứ hàng hóa vô hình, và để nhận biết nó rõ nhất chính là nhìn vào sự hài lòng, thỏa mãn, yêu thích của khách hàng được cung cấp dịch vụ đó.

 

Price – Giá cả

 

Giá cả là chi phí dịch vụ mà khách hàng phải trả để sở hữu/sử dụng sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng được nhiều người tiêu dùng cân nhắc giữa các sản phẩm/dịch vụ tương tự nhau.

Giá cả cần được định mức phù hợp với giá trị sản phẩm đáp ứng mong muốn của khách hàng, vừa phải phù hợp với thời điểm, tình hình thị trường.

Những yếu tố để định giá sản phẩm như: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí đầu vào,…. Điều quan trọng là cần tính toán kỹ lưỡng để đem đến một cái giá tốt nhất cho người dùng mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận và sự phát triển cho công ty.

Đối với ngành dịch vụ, những quyết định về giá có vai trò trong xây dựng hình tượng dịch vụ. Giá tạo nên nhận thức về mặt chất lượng và sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu của thị trường hoặc chiến lược của doanh nghiệp.

 

Place – Địa điểm phân phối

Đây là hệ thống bán hàng để doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Với mỗi nhóm sản phẩm khác nhau sẽ có kênh phân phối khác nhau (bán trực tiếp tại cửa hàng, bán hàng qua tiếp thị điện thoại,…)

Các doanh nghiệp cần có sự xem xét kỹ khi lựa chọn địa điểm, vị trí tốt nhất để thuận tiện cho khách hàng tiếp cận sản phẩm nhất, lựa chọn hệ thống phân phối nào phù hợp, độc đáo, hiệu quả nhất.

Dựa vào nhu cầu của thị trường và bản chất của dịch vụ mà doanh nghiệp lựa chọn kênh phân phối cho phù hợp. Đặc biệt, trong kỉ nguyên công nghệ, dịch vụ đang được số hóa và không còn chú trọng đến sự tiếp xúc trực tiếp nữa.

 

Promotion – Quảng cáo, truyền thông

 

Tổ chức quảng bá truyền thông giúp đưa tên tuổi của thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng. Nó bao gồm tất cả các cách mà doanh nghiệp nói với khách hàng về thông điệp, sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các hình thức:

  • Truyền thông trả phí qua báo chí, triển lãm, sự kiện,…
  • Tạo ra các nội dung, hình ảnh, video clip quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội,…
  • Chạy quảng cáo trên các nền tảng số, tổ chức chương trình khuyến mại, mini game,…
  • Truyền thông lan tỏa/ truyền thông truyền miệng.

Một chiến dịch quảng cáo, truyền thông tốt có thể làm tăng tính chất hữu hình, giúp khách hàng có cái nhìn tốt nhất về dịch vụ thông qua những thông điệp của doanh nghiệp gửi gắm.

 

People – Con người

 

 

Con người là yếu tố quan trọng để chỉ các đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp nhắm đến, đồng thời chỉ các nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Trong ngành dịch vụ, yếu tố con người là yếu tố hàng đầu, họ vừa là nhân viên cung ứng vừa chính là khách hàng nội bộ. Truyền thông nội bộ nhằm đảm bảo tất cả nhân viên hiểu, có trách nhiệm, hoàn thành công việc của bản thân và đóng góp cho sự phát triển chung của công ty.

Doanh nghiệp cần cân nhắc tuyển dụng đúng người có năng lực và phù hợp với doanh nghiệp của bạn, để từ đó cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với khách hàng, doanh nghiệp cần thường xuyên khảo sát thị trường, thu thập ý kiến và đánh giá nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra những điều chỉnh hợp lý cho quá trình cung cấp sản phẩm/dịch vụ.

 

Process – Quy trình

Quy trình chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp thuận lợi cung ứng dịch vụ ra ngoài thị trường. Ở đây có thể coi là quy trình phân phối sản phẩm, quy trình thanh toán,….

Doanh nghiệp thiết kế các bản đồ quy trình phác thảo nhằm đảm bảo rằng công việc của nhân viên được vận hành đúng, đạt hiệu quả cao:

  • Chức năng
  • Hoạt động
  • Quy trình
  • Nhiệm vụ

Quy trình của ngành dịch vụ là cách thức cho dịch vụ được vận hành trơn tru, chuyên nghiệp nhất. Thay đổi cả quy trình là sẽ thay đổi cả về yếu tố con người. Hệ thống phục vụ được chuẩn hóa sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu khách hàng, tránh lãng phí sức người sức của, thời gian và đem lại những chuyển đổi tốt nhất.

Ngày nay, quy trình làm việc đang được tự động hóa và giảm bớt vai trò của con người trong các bước vận hành cơ bản, đơn giản.

 

Physical Evidence – Điều kiện vật chất

Mô hình 7P trong Marketing

Môi trường vật chất bao gồm không gian gặp gỡ giữa nhà cung cấp và khách hàng, cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ khách hàng, tờ rơi quảng cáo, tài khoản truyền thông xã hội,… Nói chung, nó là toàn bộ những bằng chứng hữu hình để khách hàng dễ dàng về dịch vụ được cung cấp.

Đối với ngành dịch vụ, những yếu tố hữu hình về vật chất sẽ bù đắp cho tính chất bô hình của dịch vụ, làm gia tăng nhận thức về hình tượng của dịch vụ được cung cấp. Đó có thể là hình ảnh văn phòng, phong cảnh, môi trường xung quanh địa điểm dịch vụ, bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh nhân viên,…

Mỗi một yếu tố 7P trong Marketing đều có sự liên quan, tương tác lẫn nhau. Vì vậy, không thể bỏ qua bất kì yếu tố nào khi thực hiện các chiến dịch marketing cho doanh nghiệp. Các yếu tố sẽ hỗ trợ nhau, củng cố và là đòn bẩy cho nhau để đạt được chất lượng dịch vụ tốt nhất theo yêu cầu của từng thị trường, từng phân khúc khách hàng mục tiêu, từng lĩnh vực khác nhau.

Trả lời