TÍN PHÁT – CÙNG BÀN VỀ “ĂN CÂY NÀO, RÀO CÂY NẤY”

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã có câu: “Ăn cây nào, rào cây nấy”. Quan niệm này gắn bó với nhiều lĩnh vực và mang nhiều lớp nghĩa. Vì vậy, để hiểu được chính xác ngữ nghĩa đã tốn không ít giấy mực của các nhà phân tích/phê bình. Mặc dù vậy, ở bất kỳ thời đại nào thì câu nói này luôn có một lớp nghĩa phù hợp, nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người những đức tính tốt đẹp.

Chúng ta có thể thấy nghĩa bóng của câu tục ngữ là: Ăn cây nào thì phải vun xới, giữ gìn, bảo vệ cây đó thật tốt. Giống như một vòng tuần hoàn, khi chúng ta chăm bón cho cây, cây cho lại chúng ta thức ăn. Nếu một giây phút nào đó chúng ta buông lơi sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây và điều đó cũng có nghĩa là lợi ích của chúng ta bị lung lay. Ở lớp nghĩa này ông cha ta muốn răn dạy qua hành động “ăn” và “rào”. Tuy chỉ một từ “ăn” nhưng lại thể hiện được rất nhiều quy tắc và phong thái của con người. Vì “ăn” là thói quen của một người, thói quen này ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách. Qua việc “ăn” tính cách sẽ được bộc lộ và ta có thể đánh giá sơ bộ tính cách của một người.

Đôi khi để được “ăn”, chúng ta phải tạo ra thức ăn và bảo vệ nguồn thức ăn. Đó chính là “rào”. Rào là quá trình dùng vật (thường là cây cối) che chắn, bao quanh để bảo vệ (trong trường hợp này là bảo vệ cây). Tránh để cây bị trộm hoặc ngăn các con vật khác làm cây bị hỏng. Ví dụ khi trồng nhãn, muốn có được quả nhãn trước hết ta cần chăm sóc cây thật tốt. Khi cây ra hoa, ra trái chúng ta bảo vệ trái khỏi những côn trùng gây hại,… Ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể trực tiếp hưởng trái ngọt và sau đó mới “rào” cây, chăm bón. Dù hưởng thụ thành quả dưới bất kỳ hình thức nào thì kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quá trình chúng ta chăm bón, bảo vệ.

Diễn giải đến đây có lẽ một số cá nhân đã hiểu được phần nào ý nghĩa thực tế của câu tục ngữ này. Thật vậy, khi nhìn vào thực tế, “Ăn cây nào, rào cây nấy” có nghĩa là: Khi chịu sự quản lý của ai, của cộng đồng nào, quốc gia nào thì phải mang ơn người đó, cộng đồng đó, quốc gia đó. Hoặc đơn giản là: làm nhân viên của công ty nào thì phải tuân thủ theo phép tắc, quy định của công ty đó, đồng thời cần phải có ý thức, trách nhiệm cùng chung tay xây dựng văn hóa, góp phần cho sự phát triển bền vững của công ty. Khi chúng ta làm việc cho một công ty nào đó, có nghĩa là chúng ta đã bỏ qua giai đoạn vun trồng, hưởng thụ trực tiếp quả ngọt. Cũng chính vì lẽ đó mỗi cá nhân cần cố gắng nhiều hơn nữa, trước là bảo vệ thành quả đã có, sau là phát triển, nhân rộng thành quả đang có.

Khi bước vào môi trường làm việc mới, có thể chúng ta chưa hiểu rõ nơi chúng ta sẽ gắn bó. Có thể bạn đã tìm hiểu về nơi bạn làm, người quản lý sẽ nghe bạn thuyết trình về bản thân. Tuy vậy, đôi bên chưa biết gì về nhau là sự thật không thể thay đổi. Và bạn được nhận vào vị trí bạn mong muốn. Giây phút bạn được nhận đồng nghĩa với người quản lý đã tin tưởng và tài năng của bạn đã được công ty ngầm công nhận. Việc của chúng ta cần lúc này là làm việc hết mình, vì đây là công việc mà bạn đã lựa chọn, làm việc hết mình mang ý nghĩa bạn tôn trọng quyết định của bản thân và là tín hiệu đáp lại sự tin tưởng của công ty dành cho bạn. Đây chính là nghĩa đen của câu tục ngữ.

Như đã nói, khi hưởng thành quả thì cần bảo vệ và duy trì, bên cạnh đó cần tránh trường hợp đứng giữa rừng tre chỉ rào duy nhất cây tre ta lấy măng. Khi ở trong một tập thể, lợi ích của một cá nhân sẽ ảnh hưởng lên cả tập thể. Vì vậy, khi nói bảo vệ lợi ích có nghĩa là đang nói đến lợi ích lớn, lợi ích của tập thể. Tập thể càng vững mạnh thì lợi ích của mỗi cá nhân càng nhiều. Cách sống ích kỷ không còn phù hợp trong đời sống hiện nay và tất yếu nó sẽ bị loại trừ, có như vậy xã hội mới có thể phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

“Ăn cây nào, rào cây nấy” có tính giáo dục sâu sắc. Chúng ta cần bảo vệ thành quả mà chúng ta có được, đồng thời không ngừng vun xới, phát triển thì những giá trị ấy mới tồn tại lâu dài. Ngoài ra, chúng ta cần sống vị tha, biết cho đi, biết đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi của mình, không ngừng cống hiến, đóng góp sức mình vào các công việc của cộng đồng, tổ chức, nơi làm việc. Sống có ích, nơi nào chúng ta đi qua, nơi đó nhất định phải tốt đẹp, hoàn thiện và bền vững.

Minh Thư -Phòng Marketing-Truyền thông

Trả lời